Việc quản lý cùng lúc nhiều Website trong đó mỗi Website đi với một gói Hosting không cố định là điều không hề dễ dàng đối với quản trị viên Website. Để khắc phục điều này chúng ta cần sử dụng Control Panel trên VPS, server.
Web Control Panel đóng vai trò là công cụ cung cấp khả năng quản lý tập trung. Những bảng điều khiển Hosting này đều có các chức năng như: Quản lý Email Accounts, FTP Accounts, File Magement Functions, Creation Of Domain/Subdomain, Disk Space Monitoring, Bandwidth Monitoring, Create Backups…
Mục tiêu của Web Control Panel là dễ dàng cài đặt và quản trị VPS, Server trong khi người dùng không cần phải có kiến thức về quản trị hệ thống (System Administrator). Bạn có thể thực hiện công việc chỉ với vài cú click chuột.
Bên cạnh những phần mềm có phí sở hữu nhiều chức năng và Support tốt hơn như: cPanel, Plesk (chạy được cả trên Windows và Linux), DirectAdmin, aaPanel … thì những Web quản trị VPS, Server miễn phí cũng rất được ưa chuộng.
Và bên dưới là Web Control Panel tuyệt vời (theo cá nhân mình đang dùng và sử dụng) do anh Lương Văn Đức cùng với đội ngũ của anh làm ra trước mắt dành riêng cho anh em Việt Nam. Mời các bạn tham khảo nhé.
XVPS là gì?
XVPS là hệ thống quản lý và cài đặt VPS hoàn toàn tự động. Bạn có thể setup và quản lý cùng 1 lúc không giới hạn VPS mà bạn đang có ở các nhà cung cấp khác nhau.
Việc quản lý VPS giờ đây đơn giản hơn bao giờ hết với các thao tác dựa trên UI cực kỳ tiện lợi. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu quản lý và vận hành VPS của bạn.
Một số tính năng chính
- Quản lý File Manager
- Quản lý Database
- Hỗ trợ phiên bản PHP (7.4, 8.1)
- HTTP/2, Brotli, HSTS/Server-side Redirection
- Composer, Cronjobs
- Tạo chứng chỉ cho miền hoặc quản lý dịch vụ SSL/TLS cho miền ngay trên công cụ quản lý.
- 1-Click Auto Install (WordPress, Laravel, phpMyAdmin)
- Monitor Downtime/Uptime Service
- …Và còn rất nhiều tính năng khác đang được cập nhật và phát triển từng ngày.
Hỗ trợ API kết nối với các Cloud Provider phổ biến
XVPS có thể quản lý thông qua việc kết nối API Key đến các nhà cung cấp phổ biến hiện nay như Vultr, DigitalOcean, Linode… hoặc VPS riêng của bạn cực kỳ đơn giản.
Thông tin tổng quan
Bạn có thể xem thông tin tổng quát trong bảng điều khiển hoặc thông tin chi tiết từng VPS mà bạn quản lý. Các thông tin được cập nhật trong vòng 15 phút trừ các trường hợp đặc biệt như quá tải hoặc khẩn cấp sẽ được thông báo tức thì.
Dễ dàng cài đặt và sử dụng
XVPS hiện tại cung cấp cho người dùng các cách cài đặt như:
- Cài đặt trực tiếp: Bạn cần cung cấp IP, Password của User root, Port SSH.
- Cài đặt bằng Cli: Bạn sẽ Copy một dòng lệnh rồi chạy file bash là xong, bạn không cần phải tạo tài khoản root hay gì cả, tất cả những gì bạn cần là truy cập SSH VPS bạn cần cài đặt XVPS với tài khoản có quyền root và chạy lệnh thôi.
- Cài đặt trực tiếp từ Cloud Provider: Tính năng này nó sẽ là kết nối trực tiếp đến Cloud Provider thông qua API Key mà bạn kết nối, bạn chỉ cần chọn cấu hình rồi bấm start thôi
XVPS mang đến giải pháp All In One, mang lại cho bạn không gian lưu trữ và làm việc tập trung. XVPS có mọi thứ bạn cần để khởi tạo, chạy và quản lý Server tất cả trên một giao diện mà không cần phải đi đâu xa hết.
XVPS rất chú trọng đến bảo mật, việc phân chia app theo từng user trong linux sẽ ngăn chặn được khi một web app nào đó của bạn bị nhiễm mã độc thì nó sẽ không lây ra các web khác. Thêm nữa sắp tới tác giả sẽ có thể sẽ tích hợp Virtual patching nghĩa là sẽ chủ động gửi một số rules đến hệ thống website của chúng ta và áp dụng chúng để ngăn chặn các lỗ hổng khai thác bên trong mã nguồn mà không làm thay đổi mã nguồn.
Việc chạy Agent sẽ hạn chế tối đa việc tiêu tốn tài nguyên VPS của bạn mà đẩy toàn bộ về server của VPS từ đó sẽ tối ưu hóa tài nguyên VPS. Ai mà chẳng muốn Server của mình chạy nhanh và mượt đúng không.
Ngoài ra đội ngũ của XVPS cũng có trang web để đánh giá VPS ở trang TOCDO.IO – Kiểm tra thông số & tốc độ VPS của bạn, cung cấp một số metrics để bạn có thể tự đưa ra lựa chọn của riêng mình.
Cách cài đặt và sử dụng XVPS với Upcloud
Đầu tiên các bạn phải tạo con VPS trước đã nhé, nhưng nếu bạn có tài khoản của các nhà dịch vụ Cloud dưới thì bạn chỉ cần kết nối API Key nhà cung cấp đám mây với XVPS là được. Khi đó nó sẽ hiện cho bạn các tuỳ chọn cấu hình cho bạn luôn, việc của bạn chỉ cần chọn và tiếp tục thôi
Còn nếu như bạn có sẵn 1 VPS có địa chỉ IP rồi hoặc không muốn kết nối với XVPS qua API Key thì bạn có thể chọn Custom Server. Tới đây sẽ hiện máy chủ bạn muốn cài Nginx hay OpenLiteSpeed, tiếp tục bạn chọn Phương pháp cài đặt 1 là cài đặt tự động, 2 là cài đặt thủ công bằng dòng lệnh. Mình thì thường chọn tự động cho nhanh gọn
Tiếp theo thông tin kết nối bạn điền địa chỉ IP, Port và mật khẩu VPS đối với cài đặt tự động, còn cài đặt thủ công bằng lệnh bạn chỉ cần điền tên máy chủ (đặt gì cũng được) và địa chỉ IP VPS rồi nhấn chọn Begin Installation để cài đặt XVPS lên VPS của bạn
Việc của bạn bây giờ là đi làm một ly cà phê và VPS của bạn đã sẵng sàng để hoạt động, mất tầm 5-15 phút tùy mạng và cấu hình VPS của bạn nữa nhé.

Cài đặt bằng lệnh

Cài đặt tự động
Vậy là xong rồi nhé, bắt đầu đi khám phá thôi.
![Hệ thống quản lý và cài đặt VPS dễ dàng với xVPS [hienthinam] Hệ thống quản lý và cài đặt VPS dễ dàng với xVPS [hienthinam]](https://vietdungit.vn/wp-content/uploads/2022/12/quanly-sv.png)
Sử dụng
Cài đặt một webapp WordPress
Tương lai thì XVPS sẽ hỗ trợ thêm NodeJS hay Laravel nhưng ở thời điểm hiện tại cũng như ở phạm vi bài viết này thì mình đề cập đến WordPress, mình có niềm yêu thích và đam mê mãnh liệt với với WordPress, nó mạnh đơn giản và phù hợp cho những dự án nhỏ. Không phải tự nhiên mà hơn 30% website trên thế giới lại là WordPress
Giờ quay lại giao diện của XVPS và chọn Server thôi nào
Chọn + Add site
Điền các thông tin vào thôi, nhưng nhớ điền đầy đủ nhé ^ ^
Ở đây các bạn có thể dùng Domain của mình hoặc dùng Subdomain được cấp sẵn của XVPS, mình dùng sẵn luôn cho tiện nha
Bên dưới bạn có thể để mặc định cũng được còn không bạn có thể tuỳ chỉnh, mình để mặc định vậy luôn
Nhấn Add website là xong, bạn đã có 1 site chạy mã nguồn WordPress rồi.
Dù biết là điểm số nó cũng chỉ là con số, nó phù thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa nhưng mà 100 điểm thì cũng một con số cao tuyệt đối ^ ^
Cài đặt PHPAdmin
Thật ra rất là đơn giản nó giống như bước cài WordPress vậy, bạn chỉ cần chọn phpMyAdmin thay vì chọn WordPress trong hình dưới rồi install là xong nhé.
Đánh giá cá nhân
Với mình thì mình đánh giá rất cao XVPS về những điều đã làm được, những thứ hứa hẹn trong tương lai, sự lắng nghe ý kiến. Một phần nữa là mình rất ủng hộ những sản phẩm của người Việt Nam mà còn là những sản phẩm công nghệ.
Tổng kết
Vậy là hôm nay, mình đã giới thiệu với mọi người về XVPS một chương trình quản lý cho những VPS chạy PHP nói chung và WordPress nói riêng. Hiện tại XVPS của anh Lương Văn Đức đang được sử dụng và cài đặt miễn phí vì XVPS hiện vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện hơn nên mọi người nhanh tay trải nghiệm nhé. Vào XVPS.io – Manage VPS easily cài đặt và chia sẻ trải nghiệm của mình ở bên dưới bài viết nhé.